29/10/11

Cạn với vô thường

Đêm sao (Starry Night, 6/1889, Van Gogh)
Đừng tuyệt vọng, gió đổi chiều rồi đấy
Bão sắp tan, mặt đất sẽ yên bình
Từ cọng cỏ giữa khu vườn bầm dập
Ta đã nhìn thấy sự hồi sinh

Mặc cho gió cướp trụi trần trang sức
Kệ cho mưa thuê thỏa cuỗm ngọc ngà
Ta đầy đặn những điều không thể mất
Đủ rộng dài cho suốt tháng năm xa

Xin cạn với kiếp nạn này một chén
Đời buồn vui, họa phúc cũng vô thường
Tình đã nợ giang hồ từ trứng nước
Bước phong trần sao còn ngại gió sương

Đừng tuyệt vọng, ta ơi! Đừng tuyệt vọng
Bến Xuân xưa sông nước vẫn trong lành
Từ neo lại ta đâu còn bão tố
Em đi về đầy ắp tháng năm xanh

Xin cạn với tháng ngày dần vơi cạn
Xin đến trăm năm vẫn trọn vẹn đong đầy
Lòng thanh thản giữa dòng đời đen bạc
Bởi biết đủ đầy ngay buổi trắng hai tay

ĐQT

11/9/11

Lục bát Hải Phòng

Tôi còn cả một đêm nay
Hải Phòng cát bụi ăn mày là tôi
Sông không bên lở bên bồi
Dòng trôi sông lấp tình tôi một thời
Đêm suông ai gọi đò ơi
Lời da diết níu đò bơi lững lờ
Em buông sợi tóc sang bờ
Làm cây cầu nhỏ dẫn thơ tôi về

Tiếc thời lạc lối cung mê
Nửa đời nhìn lại tái tê bàng hoàng
Sông dài đày phận đò giang
Sao em rút ván cầu đang giữa dòng
Mang thuyền lật đắm giữa sông
Mang con bỏ chợ khổ không hỡi trời!
Xót xa lắm, Hải Phòng ơi
Phận em cay đắng, đời tôi lỡ làng.

Thu buông một tiếng như vàng
Màu hành khất vụt bạc loang mái đầu

ĐQT


18/7/11

Ý xưa


Sông Dinh mấy độ mai vàng nở
Xa cách nhau rồi, ai nhớ ta
“Thập tải luân giao cầu cổ kiến”
Người xưa đâu chỉ nói chuyện hoa

ĐQT

Thu Phục Sinh


Anh đợi mãi mùa thu chẳng đến
Chỉ mây bay thăm thẳm phía chân trời
Tang tóc tiễn đưa ngày chậm chạp
Những vàng lá lìa cành đâu phải gặp heo may

Anh gọi mãi mùa thu chẳng đến
Cánh chim vui đã quên nẻo về rừng
Mùa xơ xác bất ngờ lũ quét
Mắt người buồn chớp lệ rưng rưng

Anh tìm đến bởi mùa thu chẳng đến
Ngõ phố xưa đã nhòa nhạt ảnh hình
Mà hương cũ cứ ùa về nức nở
Áo nâu sòng tắt nghẹn giữa lời kinh

Anh ở lại nơi mùa thu chẳng đến
Ai đã đem chôn trong huyệt đất đen ngòm
Vẽ một lá ngô đồng trên giấy
Chợt kinh hoàng bắt gặp nét môi son

ĐQT

12/7/11

Mùa không lỗi hẹn


Lại một mùa hoa roi
Trắng xóa niềm tưởng tiếc
Ngày trôi không sắc màu
Nên nỗi chiều biền biệt

Ở phía vầng trăng lên
Biết sông Hồng mắt đỏ
Vỗ cồn cào sóng nhớ
Miền xa không chia mùa

Hoa rơi trắng như mưa
Dưới đầy trời trăng sáng
Đất đâu có thề nguyền
Vẫn mùa không lỗi hẹn

ĐQT

7/7/11

Xin bớt nắng mưa

Kính viếng hương hồn nhà thơ Trần Quốc Thực

Người lính ấy đi tìm đồng đội cũ
Tìm những cánh rừng Trường Sơn xanh xưa
“Khúc lặng lẽ” tạc đau từng “vết khắc”
Phía “miền chờ” xin bớt nắng mưa

ĐQT

6/7/11

Bình minh không lỗi hẹn

Ta không thể mà Thăng Long nghìn tuổi
Cũng như em – mây ngũ sắc cuối trời
Yêu chẳng được nên chồng, nên vợ
Mai vụm nước sông Hồng tạ tội với em thôi

Còn mãi mãi buổi người đi kẻ ở
Ngẫu nhiên đâu sáng ấy ngợp cúc vàng
Mưa thưa thớt sắc hoa ngời như lửa
Ta được đồng hành, chứ đâu phải chia phôi

Kiềm chế nhớ mong là việc làm rất khó
Một phút bên em hơn vạn nhịp thơ buồn
(Em có thể điều mà ta không thể)
Trách giận đâu nào, ai chẳng chút đam mê

Thì mây hỡi! cứ phù du về biển
Mai hóa thân còn nhớ ngược ngọn nguồn
Giọt nước nhỏ dấu cả trời thương mến
Ta có mừng, vì còn biết cô đơn

Dù mai mốt vẫn Giêng Hai đằng đẵng
Thì mai kia, Một Chạp vẫn còn
Nguyện “cứ đốt lò hương đến sáng”
Chẳng lẽ mặt trời lỗi hẹn phía bão giông?

ĐQT

25/5/11

Ký ức I


Mai sớm ngược về miền cũ
Khỏa sương lạnh mát chân trần
Đồng bãi nuôi mùa thơ ấu
Chẳng ngờ nuôi đủ trăm năm

ĐQT

Tự hỏi

Dài hay ngắn một kiếp người?
Bao lần mình thầm tự hỏi
Mai sau về cõi hư vô
Mình còn có gì để lại

Kìa ai đang xuôi vạn lý
Nhìn ta độc bộ ngược dòng
Mây bay về miền viễn xứ
Mơ hồ dáng một nguồn sông

Đã thấy bao cái vô cùng
Dẫu trong một giây hữu hạn
Đừng lo bước đời vô định
Bước nào cũng tới hư vô

Phúc đức gieo tự xa xưa
Hồng ân xin đừng vội hái
Mình đã làm được gì đâu
Sao hỏi có gì để lại

Khuất vào mà nghe tiếng gió
Cúi đầu mà ngẫm mây trôi
Lặng im để trầm nhịp vỗ
Ngàn sau cùng với đất trời

ĐQT

Thuấn chụp với bạn sau lễ tang ông cụ thân sinh

13/5/11

Tơ xưa

Bài thơ đã đăng trên báo Văn nghệ số 8
(Ảnh chụp ghép từ trang 21 báo Văn nghệ số 8, ngày 19/02/2011)

Sông xưa vẫn chảy qua làng cũ
Chỉ bãi dâu xanh đã đổi dời
Đâu còn áo lụa Hà Đông nữa
Khung cửi bây giờ tơ nhện thôi.


11/5/11

Hẹn về hội Gióng cùng em

Ăn một nong cà và mấy nong cơm
Mà cậu bé lên ba vươn vai thành Phù Đổng
Nhổ tre lại làm roi đánh giặc
Cởi giáp trả quê hương lại mơ mộng phiêu bồng
*
Vó ngựa phi để dấu những ao làng
Lửa ngựa sắt phun dát vàng tre trúc
Nếu có thể ngược về miền truyền thuyết
Em có bao giờ cùng khăn gói không?
*
Nu na cái bống nằm trong
Củ khoai chấm mật cái ong nằm ngoài
Bao nhiêu thì đủ rộng dài
Càn khôn có đủ vươn vai anh hùng

ĐQT

10/5/11

Bài thơ Tây Hồ

Tặng H – T – H

I

Sen tịnh tâm cánh trắng mỏng tang,
Ngọn bạch lạt vái sang đền Quan Thánh.
Không thu không chỉ bóng chiều rộm cháy,
Chùm rễ si già vờn rối lụa Hồ Tây
Đã từng xe loan, kiệu phượng, thuyền rồng…
Lò ngọc, đỉnh châu, trầm vương rợn sóng.
Khắc trúc, chạm bia vẫn vĩnh hằng yên lặng,
Chỉ một đài sen trổ giữa nước trời.
Có một ngày xuân ấy em ơi!
Tôi cùng em trước dáng chiều rực cháy
Sau chúng mình trăng lên
Giữa khoảng dài vô tận của ngày đêm
Như đài sen kia – em là hiện tại
Tôi chẳng nói gì hơn những điều người xưa đã nói
Một lần cùng em giỡn nước giữa Tây Hồ

II

Tòa phủ trăm gian tưởng bền ngôi chúa
Tay áo nuôi ong vạ dấy trong nhà
Mồi lửa ghen hờn phút chốc hóa thành tro bụi
Thành lâu cao ngất, bệ ngọc ngai vàng, xã tắc cơ đồ thoắt vào tay kẻ khác
Vua hóa phận tôi đòi, vương hậu thành con ở,
Cũng bởi lòng trời không tựa đứa quên dân.
Còn một tượng đồng ngự đỉnh đài sen,
Bậc mở cõi Thăng Long đã biết dấu mình trong công tôn tạo ấy.
Còn một hài son mỹ nữ, để dấu thơm đi trên lịch sử thi đàn.
Hồ Tây vẫn cười, thương khóc mặc ai
Mến mộ một văn nhân vượt sức mọi thi tài,
Mà cảm khái mệnh mình “bất chi tam bách dư niên hậu”

III

Anh không nói lời tình
Bởi mặt hồ đầy gió
Bởi đài sen trắng quá
Lỡ chúng mình bay lên

ĐQT

9/5/11

Thay lời kết

(Ảnh tư liệu) Thuấn ngày còn tại ngũ

_____

Thuấn ơi

Mặc ai ân oán nợ đời
Suối vàng chưa trọn kiếp người đắng cay
Riêng mình đôi chén tỉnh say
Thơ dăm ba chữ tháng ngày thảnh thơi
Lưng trâu diều sáo thả chơi
Ngàn năm thông đứng giữa trời mà reo!

Thay một nén nhang
Nguyễn Triều

“Giọt tình người gửi lại lúc sang trang...”

Đêm đâu tiên tháng Bảy Âm lịch. Trời đất thấp thoáng một màn sương lụa, những bước chân mùa thu nhè nhẹ... Trước cửa phòng tôi là một gương mặt thơ ngang dọc vết thời gian! Lẳng lặng trao tôi một tập bản thảo, anh ngồi xuống, nghiêng chai rượu quê rót vào chén mà như không biết rót vào đâu. Như đang rót nỗi niềm vào chốn vô định những vui buồn. Bản thảo một cái tên thơ nghe quen mà đọc sao thấy lạ. Lạ mà càng đọc càng quen. Đâu đó như đời mình, đâu đó như đời người mình biết...

Đó là ấn tượng đầu tiên về tập về tập thơ đầu tiên của một người thơ đầu tiên ra mắt trong làng thơ ta - tập Vạn Kiếp Tình của Đỗ Quốc Thuấn. Thuấn cũng đã có thơ đăng báo và hình như cũng chưa có ấn tượng.

Nhưng với tập thơ đầu này của anh thì khác.

Tôi mở một trang thơ, bỗng thấy ùa ra khí lạnh:

Anh ở lại nơi mùa thu chẳng đến
Ai đã đem chôn trong huyệt đất đen ngòm
Vẽ một lá ngô đồng trên giấy
Chợt kinh hoàng bắt gặp nét môi son...

Sao lại thế nhỉ??? Người làm thơ sao lại viết những câu vận chặt vào đời như thế? Những câu thơ hay, có khả năng tiên tri rất cao, sao tác giả lại viết thế này???

Tôi nhìn sang ông bạn thơ đang ngồi lặng bên chén rượu bằng ánh mắt dò hỏi!!! “Nó đi rồi! Cũng chẳng mấy bữa nữa bốn chín ngày!” Rồi anh nửa tỉnh nửa say:

- Ông thật là... quên nó rồi sao?...

Tôi không quên, quên sao được thằng bạn ấy. Chỉ là khó hình dung những bài thơ này là của nó, cái thằng thơ báo tường thủa nào. Vậy mà giờ đây trước mắt tôi là cả một tập thơ đến ngỡ ngàng không chỉ vì cái tên, mà vì những bài thơ với cái hồn, cái thần lạ như tên gọi: Vạn Kiếp Tình!?

Bảy hai bài thơ (hắn lấy từ tích 36 thiên can, 72 địa sát) dự tính in nhân ngày Đại lễ Thăng Long nghìn năm. Đại lễ chưa đến mà người thơ đã gót hạc lánh trần. Có vội quá chăng? Hay số mệnh phải thế.

Chẳng biết sao, nhưng nhè nhẹ bước vào cõi thơ anh, ta thấy mình như đang bềnh trôi trong hư ảo của một vùng cổ tích! Cả một không gian rộng lớn và thăm thẳm mở ra trước mắt ta. Ngôn ngữ thơ anh khi thì dịu dàng thuần hậu, khi thì bồng bềnh lấp lánh... chở đạo người qua kiếp phù sinh, dường như những con chữ của người thơ ấy đang toả hương, phát sáng...

Hãy đợi anh dắt sang mùa hạ
Thăm lại miền quê tuổi cốm, hồng
Dụi mắt tưởng chừng trong hương gió
Còn cả một trời mây trổ bông.
(Bài ca mùa hạ)

Kìa, ấm trà nhỏ trong đêm còn chưa lạnh, hương trà quen đang tìm người thơ cũ, từng trang thơ cũng bồn chồn như chẳng thể quyết ra với đời cho người cũ muôn năm sống, hay theo về chốn đêm thăm thẳm cho trọn nghĩa với người xưa. Định với tay rót đầy hư không một chén, mà bóng dáng xưa mai cứ hiển hiện qua bóng chữ rưng rưng:

Đừng rót vội đêm dài còn lắm mộng
Chừng hơi sương chưa đủ lạnh quanh thềm
Chén sành nhỏ, hương thơ mùa lưu lạc...
(Còn một vị trà)

Hình như có tiếng người thơ thì thầm trong gió đêm, tiếng thơ như từ đâu đó đậu về, ngỡ gần mà xa thế, giản dị mà đầy uyển chuyển biến hoá, để những triết lý nhân sinh, những vui buồn cuộc sống đi vào thơ người ấy thanh khiết và trong trẻo!

Mình đã làm được gì đâu
Sao có gì để lại


Khuất vào mà nghe tiếng gió
Cúi đầu mà ngẫm mây trôi
Lặng im để trầm nhịp vỗ
Ngàn sau cùng với đất trời
(Tự hỏi)

Rồi nữa:

Mai sớm ngược về miền cũ
Khoả sương mát lạnh chân trần
Đồng bãi nuôi mùa thơ ấu
Chẳng ngờ nuôi cả trăm năm
(Ký ức)

Người thơ ấy “biết” lắm, chí dũng lắm, ngôn ngữ thơ khi cương, khi nhu... linh hoạt biến ảo trong từng đề tài, từng thể loại. Những câu thơ này chứa cái trí, cái dũng của một bậc quân tử thời nay, những câu thơ đang trên đường tìm về gốc Đạo! Để ngộ ra những điều tưởng như đơn giản ấy, để viết thành thơ những suy nghĩ ấy mà không lạnh lưng hay không phải nhíu mày đâu phải dễ! Chắc hẳn người thơ Đỗ Quốc Thuấn đã nổi chìm cùng đời nhiều lắm, bể dâu lắm, để hôm nay những câu thơ dài rộng, từng trải ấy mới nhẹ nhàng bay lên như khúc ru của mẹ:

Bao nhiêu thì đủ rộng dài
Càn khôn có đủ vươn vai anh hùng
(Về hội Gióng cùng em)
Ta đầy đặn những điều không thể mất
Đủ rộng dài cho suốt tháng năm xa
……………………...
Xin cạn với kiếp này một chén
Đời buồn vui, họa phúc cũng vô thường
……………………...
Xin cạn với tháng ngày dần vơi cạn
Xin đến trăm năm vẫn trọn vẹn đong đầy
Lòng thanh thản giữa dòng đời đen bạc
Bởi biết đủ đầy ngay buổi trắng hai tay
(Cạn với vô thường)

Vào sâu trong không gian của Vạn Kiếp Tình, ta cảm thấy chếnh choáng bởi sự chuyển động của ngôn ngữ thơ Đỗ Quốc Thuấn, câu chữ ngoan ngoãn gọi nhau về dưới ngòi bút sáng tạo của anh:

Đừng vội vàng đi cho cạn mùa đông
Trong rét mướt dấu mười hai thương nhớ
Yêu dấu ơi! Xin em đừng nhen lửa
Đốt lòng nhau đoạn cuối cuộc lưu đầy
(Ly mừng uống với Thăng Long)

Nghệ thuật bắt đầu từ sự thật! Sự chân thành của người viết và cảm xúc thật cộng với tài năng thì sẽ có những câu thơ xúc động, những bài thơ hay! Với nghiệp thơ, người ấy chia sẻ: Xin kính cẩn mỗi lần cầm cây bút/ Cầu được sự chân thành rồi hãy nói đến thơ.

Trôi trong màn sương bàng bạc của Vạn Kiếp Tình cùng những giai điệu khi réo rắt ngọt ngào, lúc trầm lắng thẳm sâu như từ cổ tích vọng về, đã có lần ta rút điện thoại để gọi cho người ấy, rồi những tiếng tút tút của “con dế thời công nghệ” làm cho ta sực tỉnh với thực tại - người thơ ấy đã đi xa rồi... Ta khe khẽ thở dài rồi nhắm mắt tư duy, lại thấy thấp thoáng một người đàn ông gương mặt mùa thu, mái tóc bồng bềnh gói trọn hơn năm mươi mùa sương gió!

Nương dâu bãi bể cả rồi
Nổi chìm còn lại một lời du ca

Những câu thơ định mệnh ấy cứ nhoi nhói lòng ta, thoang thoảng đâu đây hương trầm ngan ngát, thơ bắt đầu vào đời và người cũng từ nay ngao du chốn tiên cảnh. “Giọt mực này dành để lúc sang trang” - câu thơ như khép lại một trang đời “sống ở” và khởi đầu một kiếp khác - “thác về”!

Một kiếp chữ đó mở ra, lặng lẽ dưới trời xanh, dịu dàng toả hương trong Vạn Kiếp Tình. Người thơ ơi! Anh chắt chiu buồn vui và sự trải nghiệm của cả một đời, nhào nặn những gì mà trời đất đã cho anh để làm nên Vạn Kiếp Tình. Và tin rằng không chỉ có thế. Vạn Kiếp Tình mới chỉ là mở đầu dù sách chưa khai sinh mà người đã thiên cổ!

Mấy dòng nho nhỏ này chỉ là vài lát cắt mong manh để đồng cảm và sẻ chia với anh, với những gì anh để lại. Và những gì vĩnh viễn mang theo!

Hà Nội, 12/8/2010
Lâm Triều Cư Sỹ



Thay lời kết


Thuấn ơi


Mặc ai ân oán nợ đời
Suối vàng chưa trọn kiếp người đắng cay
Riêng mình đôi chén tỉnh say
Thơ dăm ba chữ tháng ngày thảnh thơi

Lưng trâu diều sáo thả chơi
Ngàn năm thông đứng giữa trời mà reo!

Thay một nén nhang
Nguyễn Triều

_____
(*) VKT Blog:
Năm 2010, trong không khí cả nước kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, với mong muốn dù ít hay nhiều đóng góp cho Thủ đô ngàn tuổi, Thuấn đã thu thập, biên tập được gần trăm bài thơ của mình, dự định xuất bản "Tuyển tập thơ Thăng Long", song cuối cùng, tên tập thơ lại được chọn là "Vạn Kiếp Tình", với 72 bài thơ.

Một người bạn của Thuấn là Lâm Triều Cư Sỹ đã viết lời giới thiệu cho tập thơ và nhà báo - nhà thơ
Nguyễn Triều có viết thêm bài thơ "Thuấn ơi", vừa để gửi gắm tâm tư của mình, cũng là thắp chút khói hương cho người bạn đã đi xa...















8/5/11

Trên tạp chí Dặm ngàn Đất Việt

Thuấn (khoảng 1992 ~ 1994)
Đôi dòng về tạp chí Dặm ngàn Đất Việt - Theo Văn nghệ Nam Định (bài viết ngày 20/04/2011 lúc 23:16 -  vannghenamdinh .com):

Chuyên san “Dặm ngàn Đất Việt” do Công ty văn hóa Đất Việt phối hợp cùng Văn phòng Người yêu thơ Việt Nam xây dựng và sẽ được Nhà xuất bản Văn hóa thông tin phát hành đều đặn hàng tháng. Đây là chuyên san về Thơ – Văn – Nghiên cứu – Lý luận – Phê bình với sự góp mặt của đông đảo các tác giả trên khắp mọi miền đất nước và những nhà văn, nhà thơ có tên tuổi.

Mặc dù mới được ấn hành và ra mắt số đầu tiên trong tháng 3 năm 2011, nhưng chính sự nghiêm túc về nghệ thuật cùng những ý tưởng mới mẻ, táo bạo của những người xây dựng, chuyên san đã có được sự lôi cuốn hấp dẫn đối với đông đảo độc giả yêu văn chương.

-----
Dưới đây, xin giới thiệu trang thơ đăng tại Tạp chí Dặm ngàn Đất Việt (trang 60, số 1 - tháng 3/2011):


Canh cánh một miền quê


Mưa chiều



Hảo Vân và con gái út (năm 1998)
Thương anh trời trở gió

24/4/11

Dáng mẹ

(Nguồn ảnh: từ tập thơ Vạn Kiếp Tình đã xuất bản)

Thơ sưu tầm từ: VIETNAMI KATONÁK MAGYARORSZÁGON - CỰU HỌC VIÊN QUÂN SỰ TẠI HUNGARY
Thành viên abcabc gửi lúc: 08.02.2006

Tác giả: Đỗ Quốc Thuấn

Chênh vênh chín nhịp cầu cong
Nẻo đường lội, quãng đê vòng sớm khuya
Cơn dông đổ sập chiều hè *
Gian lều chợ, mảnh tơi che chỗ ngồi
Không gian trắng xoá cả rồi
Chỉ còn dáng mẹ giữa trời. Và mưa…

-----
* Từ chính xác là "dông". Trong bản do abcabc sưu tầm đăng trên vnkatonak.com chép sai là "Cơn giông đổ sập chiều hè"

22/4/11

Nghìn câu thơ tài hoa Việt Nam

Trích nguồn: thivien.net

Không gian trắng xoá cả rồi
Chỉ còn dáng mẹ giữa trời. Và mưa ... (Dáng mẹ)

Đỗ Quốc Thuấn
Trích nguồn: thivien.net

Thu buông một tiếng như vàng
Màu hành khất vụt bạc loang mái đầu

Đỗ Quốc Thuấn
(Tuyển chọn: Vanachi)

Những câu thơ hay

Trích nguồn: Những câu thơ hay - nhungcauthohay.net
Xao xác sông Hồng mùa gió bấc
Giăng mắc gì mỗi nhịp Long Biên
Dạt trôi cạn tuổi rồi mới biết
Còn một Thăng Long, bến đợi thuyền.
Ta như tùng bách bao năm tuổi
Vươn cành xòe tán với trời xanh
Em làm đất giữ cho bền gốc
Thầm lặng chắt chiu chút ngọt lành.
Mai về với phố gom hương phố
Giọt nắng thầm reo giữa cốc chiều
Bạn cũ ai còn, ai khuất nẻo?
Phong trần có đủ để tin yêu.

Tác Giả :   ĐỖ QUỐC THUẤN
Tuyển chọn :   MAI TÂM

21/4/11

Kỷ niệm với nhà văn Phùng Quán

Chân dung Phùng Quán (Thanh Tùng chụp năm 1990)
Nguồn ảnh: Ngày Phùng Quán trở về Huế (Thanh Tùng đăng trên TienphongOnline)

Trích Khai từ trong tiểu thuyết Trăng hoàng cung:

Trăng Hoàng Cung
Tác giả: Phùng Quán

Khai từ

Hai mươi mốt tuổi, tôi, người lính chiến bước thẳng vào làng Văn với cuốn tiểu thuyết đầu tay kể chuyện những người vượt ngục thất bại. Ngay sau đó tôi được coi là nhà văn. Nhưng đối với tôi Thơ mới là tất cả. Thơ là mạng sống, là lý lịch đời tôi… Tôi giương thơ như ngày nào ngoài mặt trận giương lưỡi lê đánh giáp lá cà với thói dối trá, đạo đức giả, tệ nạn quan liêu, lãng phí, bòn rút, ăn cắp của công - tuy ngày đó mới manh nha, nhưng tôi đã dự cảm sẽ là hiểm hoạ lớn đang rình phục Nhân dân tôi, Nước tôi; có nguy cơ làm băng hoại những gì thiêng liêng, tốt đẹp, cao quý, mà cả triệu người không tiếc máu để xây dựng và bảo vệ.
… Tôi muốn đúc thơ thành đạn
Bắn vào tim những kẻ làm càn
Những con người đã tiêu máu của dân
Như tiêu giấy bạc giả!
(“Chống tham ô lãng phí”, Giai phẩm mùa Thu, 1956)
… Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu…

(“Lời mẹ dặn”, Tuần báo Văn, 1957)
Và tôi đã trả giá cho thơ bằng ba mươi năm tốt đẹp của đời mình.
Từ năm hai mươi bốn tuổi đến năm năm mươi sáu tuổi, cơ chế quan liêu đã đánh trả tôi đến chí mạng. Tước đoạt của tôi quyền lao động thiêng liêng: sáng tác, xuất bản, quyền được sống cho ra một con người. Và dìm ngập tôi trong bùn-nhơ-lăng-nhục trước công luận.
Chịu chừng ấy đầy ải, lim thép ắt cũng gãy gục. Nhưng Thơ đã cứu tôi, giúp tôi đứng vững, dạy tôi dũng khí bền gan.
Nếu cần đi trở lại
Tôi đi lại đường này
Để cuối cùng lại chấm hết ở đây!

Suốt ba mươi năm qua, câu thơ của Ga-bri-en Pê-ri − người anh hùng Cộng sản nước Pháp thét lên trước cọc xử bắn, là kinh nhật tụng của tôi.
Có những giây phút ngã lòng
Tôi vịn câu thơ mà đứng dậy

Từng ngày, từng tháng, từng năm, tôi tận sức mình gieo trồng gặt hái Thơ. Vụ được vụ mất, nhưng nhờ mấy chục năm trời tích luỹ mà không dùng đến, Thơ chất được thành lẫm, thành kho… Thơ chiến đấu, thơ thế sự, anh hùng ca, thơ xưng tụng cỏ cây, thơ tặng bạn hữu, thơ đùa vui, thơ tình, thơ rượu, thơ kể hạnh, thơ phúng người thân… Loại hạt nào trong kho lẫm cũng có.
Nhưng rồi bẵng đi một dạo, tôi không làm được thơ nữa. Cái giếng Thơ tưởng như bị cắt mạch, hoặc đã múc cạn đến gầu cuối cùng.
Giờ bất hạnh đời tôi đã điểm! Nhưng xuất thân là anh lính chiến đấu cứng đầu, chưa từng chịu bó tay trong hoàn cảnh gay cấn nhất.
Cạn thơ giữa cuộc đời, tôi quyết định rời bỏ thành phố, gia đình, bạn hữu, giữa cái tuổi năm mươi, lên rừng đào mạch tìm thơ giữa thiên nhiên.
Tôi đã sống suốt ba mươi năm giữa cái lán tranh lợp lá nứa, giữa một bãi phù sa cổ hoang vu, vùng đồi núi Thái Nguyên, mọc lút đầu cỏ dại và cây trinh nữ xanh. Xung quanh bãi đất hoang, con suối lớn Linh Nham vây bọc. Bàn ghế là rễ cây chết tôi lặn lên từ lòng suối. Giường nằm là cây Cơi cổ thụ bị bão xô bật gốc, con suối Linh Nham mang từ rừng đại ngàn về, dâng lũ đến tận thềm lán, trao tặng tôi. Tôi vạt bằng mặt trên thân cây bằng rìu, rồi đục lõm sâu xuống, phảng phất hình cái áo quan; mùa đông nằm vào đó tránh được giá rét và sơn lam chướng khí. Tôi sống với một con chó, một con heo, một bầy gà; ăn bắp, ăn sắn, rau lang, ốc suối, tôm cá tự đánh bắt lấy.
Mùa lũ kkông ai dám vượt suối dữ Linh Nham, nên có khi mười ngày liền không nói tiếng người.
Trong ba năm thì có hai người bạn lặn lội tìm đến thăm. Trần Quốc Vượng, giáo sư sử học; Đỗ Quốc Thuấn, một bạn làm thơ trẻ.
Trước mặt lán, sát bờ suối, tôi đào một cái huyệt rộng một mét, dài hai mét, sâu mét rưỡi. Tôi nguyền không tìm thấy thơ, tôi lăn xuống đó…
Đàn mối đất phù sa
Sẽ thay phu đào huyệt
Bao nghiệt ngã trần gian
Chỉ một tuần vùi hết…

Gặp phải lúc đau ốm, tôi tự chữa bệnh với lá xông, rượu tự cất bằng sắn và men lá, và tia cực tím mặt trời.
Những suốt ba năm ăn nằm với đất, với suối đục, suối trong, với cây hoang cỏ dại, tôi chỉ làm có độc bài thơ.
Ly-rượu-đời Thượng đế ban cho tôi
Quá bủn xỉn…
Tôi chỉ mới nhấp môi đã cạn
Khi chén-rượu-đời đã cạn
Mà túi rỗng không
Phải đứng lên và bước ra khỏi quán

Nghĩa là phải nhắm thái dương mình nổ súng
Hay xiết giây thòng lọng quanh cổ mình
Và trổ lên cuộc đời
Những câu thơ tuyệt mệnh
Những vết chàm xanh…
Các anh tôi đó
Mai-a và Essénhin… [1]

Nhưng tôi chưa sống cho tròn nợ sống
Tôi chưa yêu cho hết nợ yêu
Tôi phải lên rừng
Hái lá khổ sâm [2]
Tự mình cất ly rượu sống
Ôi, rượu khổ sâm đắng lắm!
Đắng đến tận cùng nỗi đắng thế gian…
Bạn hữu thân thiết ơi!
Xin đừng trách cứ tôi
Sao trong câu thơ tôi cứ lẫn nhiều vị đắng
Chỉ vì
Tôi vừa ngâm ngợi câu thơ
Vừa cạn chén-rượu-đời
Cất bằng lá khổ sâm…

Chú Thích
[1]Hai nhà thơ lớn nhất của Liên bang Xô Viết và cả hai đều tự sát. Mai-a-cốp-ski tự sát năm 1930, anh 39 tuổi. Anh tự sát bằng súng lục, nổ vào tim, để lại mấy vần thơ tuyệt mệnh:
Chiếc thuyền tình mơ mộng thi ca
Va phải mỏ đá ngầm dung tục
Và tan nát…
Es-sê-nhin tự sát năm 1925, anh 30 tuổi. Anh tự sát bằng cách thắt cổ với chiếc cà-vạt, nhưng không buồn treo cổ, mà buộc cổ vào cột lò sưởi, ngồi trên ghế tựa rồi tự thít cổ mà chết. Trước khi tự giết, anh cắt máu ngón tay để viết bài thơ tuyệt mệnh tám câu. Hai câu cuối cùng như vết thương máu của thi ca:
Ở cuộc đời này chết chẳng có gì là mới
Nhưng sống cũng chẳng có gì mới hơn!
Đã nửa thế kỷ qua vết thương vẫn không sao lành được, và càng ngày càng nhức nhối hơn trong trí nhớ những người quyết sống và chết cho Thơ.
[2]Một loại cây mọc hoang trên các vùng đồi núi Trung du, lá cực đắng, được liệt vào cây thuốc nam có biệt tài thải độc trong cơ thể, nhất là các chứng dị ứng. Những năm đi lao động cải tạo, một lần tôi bị mắc phải chứng dị ứng khủng khiếp, tưởng chết. Tôi may mắn được một sư nữ già chùa Tăng Cầu cứu khỏi với mấy nắm lá khổ sâm hái ngay trên ngọn đồi sau chùa. Từ đó ơn cỏ cây cứu mạng, tôi mang canh cánh bên lòng.

Tìm người hái lá Diêu Bông

Nguồn: blog ttst bnd
15/05/2010





Ảnh bên: Thi sĩ Hoàng Cầm những ngày còn khỏe (chụp 2007, khi đang tiếp điện thoại của bạn bè)

Bài thơ viết tay ở trên, cuối cùng có được sửa lại dăm chữ và đã đăng trên báo Hà Nội Mới, Chủ nhật 09/5/2010. Dưới đây là bản chép lại trên báo, bạn có thể thấy thú vị hơn khi đối chiếu bản viết tay ban đầu với bản này:


Tìm người hái lá Diêu Bông

Kính viếng hương hồn Thi sĩ Hoàng Cầm

Buổi ấy, đồng chiều cuống rạ,
Thương chị, anh đi tìm lá Diêu bông.

Diêu bông ơi hỡi Diêu bông,
Tìm một đời trọn anh không mang về,
Theo anh em cũng mải mê,
Mải mê đi kiếm, mải mê đi tìm.
Xuân sau thì vẫn Hội Lim,
Mình em chuếnh choáng đi tìm Người Thơ.

Kiếp tằm rút ruột nhả tơ,
Phận anh chìm nổi mấy bờ nhân gian.
Đã đành còn một "Kiều Loan",
Vẫn thương "Kinh Bắc" đa đoan mấy lần.

Tóc xanh còn sợ phong trần,
Xót xa chỉ dám tần ngần nhìn Anh.
Giọt nào nhỏ xuống long lanh,
Một trời Quan họ để dành khóc nhau...

Ruột không dao cắt mà đau,
Nghiêng nghiêng sông Đuống ngàn sau bóng người!

Đỗ Quốc Thuấn